Có một thời gian, hoa đậu biếc được người ta truyền nhau sử dụng như một thần dược trị bách bệnh. Sau đó, lại có tin từ truyền thông về những ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng hoa đậu biếc. Để rồi người ta bắt đầu e ngại và chặt bỏ những giàn hoa đậu biếc xanh mướt đã tốn công trồng và chăm sóc. Vậy, thực sự hoa đậu biếc có tốt như lời đồn? Và sử dụng hoa như thế nào cho đúng cách?
Hoa đậu biếc đã được sử dụng làm trà, đồ uống tại nhiều quốc gia trong hàng thế kỷ qua. Trong hệ thống y học cổ truyền Ấn Độ, hoa đậu biếc được sử dụng trong nhiều loại thuốc, trị nhiều bệnh khác nhau.
Cả hoa, lá, rễ của cây đậu biếc đều có thể sử dụng. Trong cây đậu biếc (Clitoria ternatea) chứa tannin, phlobatannin, carbohydrate, saponin, triterpenoids, phenol, flavanoid, flavonol glycoside, protein, alkaloid, antharaquinone, anthocyanins, glycoside tim, Tannic acid, Taxaxerol, Myriceti, β-Sitosterol, Delphinidin-3,5-diglucoside, alvidin-3β-glucoside…
Các nghiên cứu cho thấy trong cây đậu biếc có nhiều dược tính chống oxy hóa, hạ sốt, chống ung thư, chống viêm, giảm đau, trị đái tháo đường, thần kinh trung ương, kháng khuẩn, bảo vệ thận, chống ký sinh trùng dạ dày-ruột, diệt côn trùng và nhiều tác dụng dược lý khác…
Hoa đậu biếc được đánh giá là có công dụng hiệu quả rõ nét với nhiều bệnh phổ biến:
- Giúp ngủ sâu, chống trầm cảm, giảm stress, lo âu, căng thẳng.
- Chống oxy hóa.
- Kháng viêm, giảm đau.
- Giảm mỡ máu.
- Giảm đường huyết, trị tiểu đường.
- Ức chế kết tập tiểu cầu và bảo vệ gan.
- Tẩy giun
Hiện tại, vẫn chưa thấy các minh chứng về việc hoa đậu biếc có độc. Và điều mọi người hay nhầm lẫn là:
- Hạt của đậu biếc có độc tố (chứ không phải hoa). Trong hạt có chứa một alkaloic độc.
- Hoa đậu biếc không lợi cho phụ nữ mang thai.
Trong đậu biếc có một thành phần gây tình trạng khó cầm máu (chất này tác động lên tiểu cầu làm giảm khả năng ngưng kết của tiểu cầu). Với những người bệnh có bệnh lý suy giảm tiểu cầu thì không nên dùng. Tương tự như vậy, một số đối tượng như người huyết áp thấp, phụ nữ mang thai…cũng nên hạn chế.
Tác dụng hoạt huyết của đậu biếc có liên quan đến cường độ co bóp của thành tử cung. Với phụ nữ có thai, thành tử cung cần ổn định để nuôi dưỡng thai. Co bóp nhiều sẽ dẫn đến tống xuất thai hay còn gọi là sinh non. Do vậy, thai phụ nên cẩn thận khi dùng hoa này.
Trà hoa đậu biếc có thể giúp an thần, ngủ ngon nếu uống với lượng vừa phải. Thông thường, chỉ cần khoảng 5-10 bông hoa cho một bình trà là đủ. Hoặc tốt hơn, có thể sử dụng hoa đậu biếc ngâm mật ong.
Một điều nữa mà mình đã lưu ý nhiều trong các bài viết trước, đó là dù là thuốc thì cũng có vài phần độc. Cho dù là thuốc bổ mà chúng ta lạm dụng cũng sẽ có kết quả không tốt, thậm chí gây tác dụng ngược. Vì thế, ta cần lắng nghe cơ thể mình để sử dụng liều lượng thích hợp. Và cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi tự ý dùng thảo mộc để điều trị một bệnh nào đó.
(Nguồn: Journal of pharmacological reports, J Pharma Reports, 2018, 3(1):1-8
International Journal of Natural and Social Sciences, 2017, 43(1):01-10)