Là biểu tượng của sự sống trên đồng bằng châu Phi, cây bao báp khổng lồ thuộc chi Adansonia, một chi thực vật có 9 loài. Có hai loài, Adansonia digitata và Adansonia kilima, có nguồn gốc từ lục địa châu Phi. Sáu loài khác được tìm thấy ở Madagascar, và một loài ở Úc. Mặc dù Bao báp là một chi nhỏ, nhưng bản thân cây thì hoàn toàn ngược lại.
Sự thật về cây Bao báp
Cây bao báp là những cây khổng lồ thực sự của vùng đất hoang mạc châu Phi. Hình bóng đặc biệt hùng vĩ của chúng lờ mờ trên các trảng cỏ. Ngọn cây giống như đầu của Medusa, những nhánh cây vươn ra tua tủa lộn xộn trên thân cây mập mạp, to lớn. Bao báp có thể không cao bằng cây hồng sam của Bắc Mỹ, nhưng với kích cỡ khổng lồ khiến chúng trở thành ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị cây lớn nhất thế giới. Adansonia digitata có thể đạt chiều cao 25m và đường kính thân cây tới 14m.
Bao báp thường được gọi là “cây lộn ngược”, vì hình dạng giống như rễ của các nhánh cây. Loài cây này được tìm thấy trên khắp lục địa châu Phi, mặc dù phạm vi của chúng bị hạn chế do ưa thích khí hậu khô hơn khí hậu nhiệt đới. Cây bao báp hiện nay cũng đã được trồng ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Oman. Ở Việt Nam cũng có vài cây ở Huế, Kiên Giang… Bao báp được biết là có thể sống hơn 1.500 năm.

Cây phá kỷ lục
Cây bao báp Adansonia digitata lớn nhất hiện đang tồn tại được cho là cây Bao báp Sagole. Cây này nằm gần thị trấn nông thôn Tshipise ở tỉnh Limpopo, Nam Phi. Nó cao 22m và có đường kính tán đến 38m. Cần 20 người đàn ông trưởng thành giang tay để tạo thành một vòng tròn không gián đoạn xung quanh thân cây. Người Venda địa phương gọi cái cây là “muri kunguluwa”, hay ‘cái cây gầm thét’. Đó là do âm thanh tạo ra khi gió thổi qua các cành cây. Nó là một phần thiêng liêng trong văn hóa bộ lạc của họ, đã đứng canh gác ở đó hơn 1.200 năm.
Những cây bao báp nổi tiếng khác của Nam Phi là cây Glencoe và Sunland, mặc dù cả hai hiện đã bị đổ. Việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ đã chứng minh rằng cây bao báp Glencoe, được cho là cây mập mạp nhất trên thế giới, đã hơn 1.835 năm tuổi. Cây bao báp Sunland rộng đến mức phần thân rỗng của nó có thể chứa một hầm rượu và quầy bar. Ở Madagascar, những cây bao báp nổi tiếng nhất là những cây mọc dọc theo Đại lộ Bao báp (the Avenue of the Baobabs) trên con đường đất từ Morondava đến Belon’i Tsiribihina. Khu rừng bao gồm khoảng 25 cây bao báp Adansonia grandidieri đặc hữu, một số cây cao hơn 30m.
The Tree of Life – Cây Sự Sống
Cây bao báp có nhiều công dụng rất hữu ích. Bởi thế, nó còn nổi tiếng với tên gọi “The tree of life” (Cây sự sống). Đây một loài mọng nước khổng lồ với 80% nước trong thân cây. Những thổ dân Tây Nam Phi từng dựa vào nguồn nước quý giá trong cây khi không có mưa và những dòng sông khô cạn. Một cây duy nhất có thể chứa tới 4.500 lít nước. Trong khi phần giữa rỗng của một cây bao báp già cũng là nơi trú ẩn quý giá.
Vỏ cây và cùi bên trong thân mềm, có xơ, chống cháy. Có thể dùng để dệt dây thừng và vải. Các sản phẩm từ cây bao báp cũng được dùng để làm xà phòng, cao su, keo dán. Trong khi vỏ cây và lá cây được thu hoạch để làm thuốc y học cổ truyền.
Bao báp cũng là loài mang lại sự sống cho động vật hoang dã châu Phi. Xung quanh nó thường tạo ra hệ sinh thái rất riêng. Nó cung cấp thức ăn và là nơi trú ẩn cho vô số loài, từ loài côn trùng nhỏ bé nhất cho đến loài voi châu Phi dũng mãnh.
Một loại trái cây thượng đẳng
Quả bao báp giống như một quả bầu thuôn dài, vỏ mượt như nhung. Trong quả chứa đầy những hạt lớn màu đen. Cùi quả có vị chua, hơi bột. Người châu Phi bản địa thường gọi cây bao báp là “monkey-bread-tree” – cây bánh mì cho khỉ. Vì loài khỉ rất thích ăn quả này, dường như là loại bánh mì dành riêng cho khỉ. Và người ta cũng đã biết về lợi ích sức khỏe khi dùng quả và lá của nó từ nhiều thế kỷ trước. Lá non có thể nấu chín và ăn như một loại rau thay thế cho rau bina. Trong khi cùi quả thường được ngâm, sau đó pha thành đồ uống.
Gần đây, phương Tây đã ca ngợi trái bao báp là một trái cây thượng đẳng. Trong trái có hàm lượng canxi, sắt, kali và vitamin C cao. Theo một số nghiên cứu, thịt quả có lượng vitamin C gấp khoảng mười lần so với lượng cam tươi tương đương. Nó còn có nhiều canxi hơn 50% so với rau bina. Và được khuyên dùng để tăng độ đàn hồi cho da, giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Những truyền thuyết về cây bao báp
Có rất nhiều câu chuyện và những truyền thống liên quan đến cây bao báp. Dọc theo sông Zambezi, nhiều bộ lạc tin rằng cây bao báp đã từng mọc như nhiều loài cây khác. Nhưng nó tự cho mình là tốt hơn nhiều so với những cây thấp hơn xung quanh. Cuối cùng các vị thần quyết định dạy cho bao báp một bài học. Họ nhổ nó đi và trồng ngược nó lại, để ngăn nó khoe khoang và dạy cho cây tính khiêm nhường.
Ở những vùng khác, những cây đặc trưng cũng có những câu chuyện gắn liền với chúng. Công viên quốc gia Kafue ở Zambia là nơi có một cây đặc biệt lớn, người dân địa phương gọi là kondanamwali – ‘cái cây ăn thịt các thiếu nữ’. Theo truyền thuyết, cái cây đã yêu bốn thiếu nữ địa phương. Nhưng những người này đã xa lánh cái cây và tìm kiếm những người chồng là con người bình thường. Để trả thù, cái cây đã kéo các thiếu nữ vào bên trong và giam giữ họ mãi mãi.
XEM THÊM: VÌ SAO CÓ NHỮNG CÂY SEN ĐÁ CHỈ RA HOA MỘT LẦN RỒI CHẾT ???
Ở nhiều vùng, người ta tin rằng tắm cho một cậu bé bằng nước ngâm vỏ cây bao báp sẽ giúp cậu bé khỏe mạnh và cao lớn. Trong khi những người khác tin rằng phụ nữ sống ở khu vực có cây bao báp sẽ có khả năng sinh sản cao hơn những người sống ở khu vực không có cây. Ở nhiều nơi, cây đại thụ được coi là biểu tượng của cộng đồng, được sử dụng làm nơi tập trung cho các nghi thức và nghi lễ.
Huân chương Bao báp (the Order of the Baobab) là một vinh dự dân sự quốc gia của Nam Phi, được thành lập vào năm 2002. Huân chương này được tổng thống trao tặng hàng năm cho những công dân có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực kinh doanh và kinh tế; khoa học, y học và đổi mới công nghệ; hoặc phục vụ cộng đồng. Nó được đặt tên để ghi nhận sức chịu đựng của cây bao báp cũng như tầm quan trọng về văn hóa và môi trường của nó.
(Nguồn: https://www.thoughtco.com/fun-facts-about-the-baobab-tree-1454374)