- Tên khoa học: Ageratum conyzoides L.
- Tên thông thường: Cây cứt lợn, Hoa ngũ sắc, Bù xích, Cúc hôi
- Họ thực vật: Asteraceae (họ Cúc)
Đặc điểm
Cây cỏ nhỏ mọc hàng năm, phân nhiều cành. Cây cao khoảng 25-50cm. Thân và lá có lông mềm. Lá mọc đối, hình bầu dục hay gần 3 cạnh, dài 3 – 10cm, rộng 1,5 – 5cm, có cuống, mép lá có răng cưa tròn. Hai mặt lá đều có lông, mặt dưới nhạt màu hơn. Cụm hoa đầu xếp thành ngù thưa ở ngọn. Hoa màu trắng hoặc tím nhạt. Quả màu đen, 5 cạnh, có mào lông màu trắng nhạt.
Sinh trưởng, Công dụng
Cây mọc hoang khắp nơi ở ven rừng, ven đường, các bãi hoang, bờ ruộng, nơi ẩm. Để nấu ăn, lấy lá và ngọn non vò kỹ, rửa sạch tới khi hết bọt, luộc bỏ nước, vắt kiệt nước, xào hoặc nấu canh với mắm tôm, cá… Thành phần dinh dưỡng:
Dưỡng chất | Hàm lượng |
---|---|
Nước | 90,1g |
Prôtein | 3,5g |
Gluxit | 4,1g |
Chất xơ | 1,2g |
Tro | 0,8g |
Carôten | 0,82mg |
Vitamin C | 28,6mg |
Cây cứt lợn chủ yếu có tác dụng làm thuốc. Nhổ cả cây (cắt bỏ rễ), dùng tươi hoặc khô.
- Làm thuốc chữa bệnh phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở: Hái chừng 30-50g cây tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước và uống trong ngày. Uống trong 3-4 ngày.
- Chữa viêm xoang mũi dị ứng: Hái cây tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau.
- Ngọn non giã nát, vắt lấy nước tẩm bông cho vào lỗ mũi chữa loét mũi.
- Phối hợp với nước bồ kết nấu nước gội đầu, vừa thơm vừa sạch gàu, trơn tóc.
- Nhiều nơi dùng lá chữa kiết lỵ, chữa cảm mạo, sốt, làm thuốc cầm máu…

Chú ý: Đừng nhầm cây cứt lợn ở đây với cây bông ổi/trâm ổi (còn gọi là cây ngũ sắc) và cây hy thiêm (Siegesbeckia orientalis – họ Cúc, nhiều nơi cũng gọi là cây cứt lợn). Một số người thấy cây cứt lợn này có tác dụng tốt, nhưng tên lại xấu xí cho nên đã gọi cây này là cây ngũ sắc, ngũ vị hay còn gọi là cây bông ổi. Vì thế người dùng cần lưu ý để tránh nhầm lẫn, khi dùng sai loại sẽ không thấy có tác dụng như mong muốn.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS. TS. Đỗ Tất Lợi)

trên SHOPEE chỉ 40k